Trump được gì nếu không kích Syria?

Tổng thống Mỹ dường như muốn chuyển hướng dư luận trong nước và lấy lại vị thế ở Trung Đông bằng đòn trừng phạt nhắm vào Syria.

Mỹ đang có những động thái quyết liệt trong việc thành lập một liên minh quốc tế để tấn công quân sự vào Syria nhằm đáp trả việc nước này bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học, bất chấp việc Tổng thống Donald Trump vài ngày trước vừa tuyên bố sẽ sớm rút quân khỏi quốc gia Trung Đông này.

Việc chính quyền Trump ưu tiên giải pháp quân sự trong xử lý cuộc khủng hoảng ở Syria gây ra nhiều tranh luận trong giới phân tích quốc tế về động cơ gây chiến của Tổng thống Mỹ cũng như chiến lược lâu dài ở Trung Đông của Washington.

Chuyển hướng dư luận

Theo các bình luận viên của Guardian, việc Trump bất ngờ chỉ trích Syria và Tổng thống Nga Vladimir Putin trên Twitter liên quan đến cáo buộc vũ khí hóa học được sử dụng ở Đông Ghouta, ngoại ô thủ đô Damascus khiến nhiều người ngạc nhiên. Hành động "tôn trọng nhân quyền quốc tế" này khiến giới quan sát bất ngờ, bởi Trump từng nhiều lần bỏ qua nhiều cáo buộc về "tội ác chiến tranh" nghiêm trọng hơn ở Syria.

Điều đáng chú ý là thông tin về việc quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học ở Đông Ghouta nổi lên trong bối cảnh dư luận Mỹ đang sôi sục vì cuộc đối đầu thương mại mà Trump phát động nhắm vào Trung Quốc. Gói áp thuế trị giá hàng trăm tỷ USD Bắc Kinh vừa tung ra nhắm vào nhiều mặt hàng nông nghiệp, công nghiệp trọng điểm tại các bang có truyền thống ủng hộ Trump.

Nhiều doanh nghiệp, nông dân đã bày tỏ bức xúc trước thực tế các mặt hàng của họ trở nên kém cạnh tranh hơn trên thị trường Trung Quốc, trong khi dân chúng thất vọng vì sẽ phải hứng chịu mức sinh hoạt phí cao hơn khi các mặt hàng giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc bị áp thuế cao.

Là người luôn chú ý đến những con số thống kê về tỷ lệ ủng hộ, đây chắc chắn là dấu hiệu đáng lo ngại đối với Tổng thống Trump. Khi cuộc đối đầu thương mại với Trung Quốc chưa có dấu hiệu sẽ hạ nhiệt trong tương lai gần, Trump buộc phải có hành động nào đó để hướng sự chú ý của dư luận Mỹ sang vấn đề khác.

Theo bình luận viên Amanda Woods của NYPost, sau khi Trump ra lệnh không kích Syria bằng tên lửa hành trình Tomahawk vào tháng 4/2017 cũng với cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học tương tự, 58% người dân Mỹ được hỏi đã thể hiện sự ủng hộ đối với hành động quân sự của Trump. Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Mỹ cũng tăng từ 34% trước cuộc không kích lên 43%.

Trump dường như muốn tái lập điều này, khi tỷ lệ ủng hộ hiện nay của ông chỉ ở mức 41,8%, trong khi 53,3% người dân Mỹ bày tỏ sự không hài lòng với ông chủ Nhà Trắng, theo số liệu khảo sát của RealClearPolitics.

Một số chuyên gia tin rằng Trump muốn xây dựng hình ảnh một Tổng thống mạnh mẽ, quyết liệt, sẵn sàng đáp trả hành động sử dụng vũ khí hóa học nhắm vào dân thường, trái ngược với người tiền nhiệm Obama. Ông Obama cũng từng đe dọa sẽ không kích Syria sau cáo buộc tấn công hóa học cũng ở Đông Ghouta năm 2013, nhưng sau đó nhượng bộ và thiên về giải pháp ngoại giao để giải quyết khủng hoảng.

Một lý do nữa khiến Trump muốn chuyển hướng dư luận là cuộc điều tra nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ đang đến hồi quyết liệt, khi các nhân viên của công tố viên đặc biệt Robert Mueller khám xét văn phòng luật sư riêng của Trump. Trump bất bình với Mueller đến mức Nhà Trắng hôm qua tuyên bố Tổng thống có quyền sa thải công tố viên đặc biệt này để chấm dứt cuộc điều tra.

Tuy nhiên, giới phân tích cũng nhận định hành động chuyển hướng dư luận này có thể là "con dao hai lưỡi" đối với Trump. Nếu đòn không kích của Trump khiến Mỹ lún sâu hơn vào xung đột ở Syria hay lâm vào thế đối đầu trực diện với Nga trên chiến trường Trung Đông, ông có thể hứng chịu làn sóng chỉ trích mạnh mẽ chưa từng có từ dư luận trong nước và thế giới.

Supper Admin

Copyright © 2020 - 2024 Ketnoi24 - Contact | User guide
Close