Chủ tịch Hội đồng dân tộc: Nên xác minh tài sản khi thăng cấp tướng

Đại biểu Quốc hội đề nghị hình thành cơ quan độc lập thẩm tra việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức.

Thảo luận dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sáng 11/4, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề xuất đưa việc phong, thăng quân hàm cấp tướng trong lực lượng vũ trang vào diện xác minh tài sản bắt buộc, tương tự như bổ nhiệm, bầu cử, bổ nhiệm lại.

Theo ông Chiến, việc này rất cần làm vì quy trình phong, thăng quân hàm cấp tướng chặt chẽ và đây cũng là vinh dự lớn. "Nếu không quy định thì ban soạn thảo dự án Luật phải giải thích vì sao", ông Chiến nói.

Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đồng tình với đề nghị của ông Chiến, vì theo bà, việc phong, thăng quân hàm cấp tướng cũng là "có chức tước".

Ngoài ra, ông Chiến bày tỏ băn khoăn về tính khả thi trong việc xác minh tài sản, thu nhập để phục vụ cho việc phát hiện tham nhũng. Theo ông, với quy định hiện hành thì hiệu quả chưa cao vì xác minh dựa trên bản kê khai, trong khi đó, người kê khai chỉ liệt kê tài sản của vợ chồng, con chưa thành niên và đó thường là những tài sản hợp pháp, chính đáng, giải trình được; còn những tài sản do tham nhũng mà có lại để ở nơi khác, như họ hàng, con đã thành niên, đối tác...

"Cán bộ ta không nghèo nhưng kê khai lại rất nghèo"

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, khi Quốc hội bầu và phê chuẩn các chức danh lãnh đạo, hồ sơ trình ra rất dày, nhưng việc kê khai tài sản đúng hay sai thì không có cơ quan nào thẩm tra.

"Thực trạng thì các đại biểu biết rồi. Cán bộ của chúng ta không phải nghèo nhưng kê khai lại rất nghèo. Vì vậy rất cần phải xác minh", ông Phúc nói.

Từ cách tiếp cận trên, ông Phúc đề nghị thành lập tổ chức độc lập để xác minh tài sản cán bộ, giúp đại biểu Quốc hội biết được thực tế. "Chúng ta không nên tiết kiệm biên chế cho việc này vì nó rất cần thiết. Quá trình thẩm tra chỉ làm lúc bầu cử và người được bổ nhiệm chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước về bản kê khai của mình. Kết quả thẩm tra, xác minh không đúng thì phải bị xử lý", Tổng thư ký Quốc hội nêu quan điểm.

Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đồng tình với ông Nguyễn Hạnh Phúc là phải xác minh tài sản, thu nhập cán bộ khi được bầu, phê chuẩn, tuy nhiên ông cho rằng không nên quy định cứng vì "đã có quy định kiểm tra khi việc kê khai có vấn đề, khi có tố cáo và khi có yêu cầu của cơ quan tổ chức".

Không đồng tình thu thuế 45%

Bàn về việc xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đề nghị làm rõ thế nào là "giải trình một cách không hợp lý".

Ông Định dẫn chứng, một cán bộ giải trình rằng tài sản ông ta có là do bố mẹ để lại, hỏi ông bố thì bảo "do ông cụ nhà tôi để lại".

"Cho nên thế nào là không hợp lý? Vấn đề này rất là khó. Chúng tôi cho rằng phải tính toán hết sức chặt chẽ, bảo đảm tính khả thi, chứ đưa ra mà không thực hiện được thì mất lòng tin với nhân dân", ông Định nói.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật cho biết ông tán thành việc áp dụng quy định của luật thuế thu nhập cá nhân để xử lý phần tài sản có nguồn gốc không rõ ràng, không giải trình được một cách hợp lý phần chênh lệch so với bản kê khai. Tuy nhiên, ông không đồng tình với mức áp thuế là 45%.

Theo ông, khi cán bộ không giải trình được tài sản, thu nhập tăng thêm một cách hợp lý, nhưng cơ quan nhà nước cũng không chứng minh được tài sản đó là bất hợp pháp, thì phải suy luận vô tội, coi đó là tài sản hợp pháp.

"Tài sản hợp pháp tăng thêm thì phải nộp thuế theo khung của Luật thuế thu nhập cá nhân chứ không thể ấn định là 45%", ông nói.

Supper Admin

Copyright © 2020 - 2024 Ketnoi24 - Contact | User guide
Close